Lời bình bài thơ Áo tứ thân" của Bloger Toàn thắng
Áo tứ thân
Sao em mặc áo tứ thân
Để cho anh cứ bần thần, vẩn vơ.
Áo ơi!có tự bao giờ?
Mà ông cha cũng ngẩn ngơ, thẫn thờ.
Áo đi vào những vần thơ,
Sáng bừng đêm hội bên bờ sông quê.
Gió vờn tà áo chân đê,
Rộn lòng lũ trẻ chăn bê đầu làng.
Để lòng anh mãi xốn xang,
Bồng bềnh,chạng vạng,ngổn ngang tơ tình.
Áo đẹp hay tại em xinh?
Hỏi áo,áo lắc.Hỏi mình, mình im.
“Muốn nghe anh phải đi tìm
Nửa vầng trăng lẻ ai dìm xuống ao?”
Ai ơi! hãy giúp tôi nào,
Để cho tôi được yếm đào, tứ thân,
Để cho tôi hết bần thần.
Áo ơi! làm khổ cái thân anh rồi…
Tháng 04 - 2010
NGƯỜI ĐẤT TỔ HOANG SƠ - TNT
Đọc thơ thầy con hiểu thầy muốn ngược dòng thời gian để tìm về nguồn cội. Chiếc áo tứ thân chỉ là cái cớ để thầy bộc lộ tâm tư, tình cảm về một nét đẹp chân chất, mộc mạc, hương xưa.. Chiếc áo tứ thân các cô gái xưa đã mặc quả thật để lại một ấn tương khó phai trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc ta, đã đi vào thơ ca, nhạc, họa..."Áo tứ thân là trang phục của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỉ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ mặc trong dịp lễ hội truyền thống. Phần lưng áo gồm hai mảnh vải ghép lại,thường là màu nâu hoặc nâu non ghép với màu cùng gam: phía trước có hai thân tách rời, được buộc lại với nhau, thả trước bụng để tạo dáng người thon thả, phía trên không gài khít mà để lộ yếm màu bên trong; cổ áo viền 1 - 2 cm. Áo tứ thân dài gần chấm gót, tay áo bó chặt. Trên sân khấu truyền thống, áo tứ thân dùng cho các vai nữ nông thôn, thường may bằng vải màu sẫm có khuy tròn gài bên nách phải".(VA)
Con cũng biết rằng: " Có tìm hiểu dĩ vãng của chính mình thì mới quý nó được và có quý trọng dĩ vãng thì mới tìm được hướng đi cho tương lai". Đó là lời học giả Nguyễn Hiến Lê nói đó không phải con nói đâu. Áo tứ thân gắn liền với tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ nơi triền đê, đong đầy kỉ niệm lứa đôi nơi bờ tre, giếng nước, lung linh, huyền ảo trong đêm hội làng khiến biết bao chàng ngất ngây.
Trải bao năm tháng dưới ách đô hộ, áo vẫn dịu dàng, đằm thắm, thướt tha, kiêu hãnh, tự hào thể hiện bản sắc, khiếu thẩm mĩ của người Việt.
Duyên dáng, uyển chuyển thay các cô gái trong tà áo tứ thân, hai thân trước buộc hờ khoe đường cong khêu gợi của người con gài thắt đáy lưng ong, trong mặc chiếc yếm thắm tình tứ, mặc váy tơ đen óng ả, có thể là thắt lưng màu buông thả hai bên. Cũng có khi, các cô mặc yếm màu hồng đào phủ lên chiếc váy lĩnh hoa chanh hoặc váy sồi có thắt lưng màu xanh lá mạ hay màu cánh chả. Chẳng thế mà áo tứ thân đã đi vào thơ ca và là nguồn thi hứng cho biết bao thi sĩ. Chính vì chiếc áo tứ thân của " Thiếu nữ ngủ ngày" nên Hồ Xuân Hương mới có thơ rằng:
" Quân tử dùng dằng đi chẳng được
Đi thì cũng dở, ở không xong"
Ta cùng chiêm ngưỡng nét duyên của cô gái mặc áo tứ thân trong bài ca dao " Mười thương":
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở đoan trang
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt hữu tình với ai?
Áo tứ thân là một phần cuộc sống của con người Việt Nam. Chiếc yếm đào - chính là tâm hồn e ấp, dịu dàng, kín đáo mà đằm thắm, thiết tha của người con gái Việt hay đó chính là nét đẹp tinh thần mà người nghệ sĩ muốn chiếm lĩnh, muốn tìm lại từ đáy ao bèo tấm kia? Có lẽ cả hai hay còn nhiều hơn thế nữa bạn và tôi cứ thử liên tưởng tiếp nhé!!!
Của thừa chộp của thừa thành quá thừa
Khoảng trống lấp chỗ trống thành quá trống
triết lý Âm - Dương NHƯNG PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN ĐẠT LẠI THẬT DUNG DỊ DÂN DÃ TƯỞNG TỤC MÀ LẠI THANH